image banner
TIN MỚI
image advertisement
image advertisement
image advertisement 
image advertisement
image advertisement

MỖI ĐẢNG VIÊN, CÁN BỘ, CÔNG CHỨC, VIÊN CHỨC, NGƯỜI LAO ĐỘNG, LỰC LƯỢNG VŨ TRANG CẦN VỮNG TIN TRƯỚC CHỦ TRƯƠNG SẮP XẾP TINH GỌN

   Trong dòng chảy thông tin về cải cách hành chính và tinh gọn bộ máy, thời gian gần đây những thông tin về khả năng bỏ cấp trung gian tỉnh, huyện đã trở thành tâm điểm chú ý. Nhất là từ khi Trung ương ban hành Kết luận 126-KL/TW ngày 14/2/2025 về một số nội dung nhiệm vụ tiếp tục sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị năm 2025. Đây không chỉ là một bước đi lớn trong công cuộc đổi mới mà còn đặt ra những yêu cầu mới đối với đội ngũ đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, lực lượng vũ trang. Đứng trước thách thức và cơ hội, điều quan trọng nhất là giữ vững niềm tin, bản lĩnh và chủ động thích ứng với tình hình mới.

   Tinh gọn bộ máy – Bước đi tất yếu để nâng cao hiệu quả

Chủ trương tinh giản biên chế, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước không phải là quyết định mang tính nhất thời mà là một chiến lược dài hạn, được Đảng và Nhà nước kiên định thực hiện. Việc bỏ cấp trung gian, nếu được triển khai, sẽ giúp giảm thiểu bộ máy cồng kềnh, hạn chế tình trạng chồng chéo trong quản lý, tiết kiệm ngân sách và nâng cao hiệu suất làm việc.

Nhìn ra thế giới, nhiều quốc gia đã tinh gọn bộ máy hành chính để tăng tính linh hoạt và hiệu quả trong hoạt động quản lý nhà nước. Tuy nhiên, điều cốt yếu là cần có lộ trình bài bản, đảm bảo sự ổn định và hài hòa giữa yêu cầu cải cách với quyền lợi của cán bộ, công chức. Xét đến cho cùng thì mọi cuộc cách mạng chân chính đều vì con người, vì sự phát triển của xã hội. Trong kết luận 126-KL/TW, Bộ Chính trị cũng nhấn mạnh mục đích, ý nghĩa của việc sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy sẽ tiếp tục làm tốt chế độ, chính sách đối với cán bộ bị tác động, ảnh hưởng; bố trí cán bộ phải công tâm, khách quan theo tinh thần “từ việc chọn người", giữ được những cán bộ có năng lực, không để "chảy máu chất xám”.

Trước bất kỳ sự thay đổi lớn nào, tâm lý hoang mang là điều dễ hiểu. Song thay vì lo lắng, mỗi cán bộ, đảng viên cần bình tĩnh, chủ động thích nghi, coi đây là cơ hội để tự làm mới mình, nâng cao năng lực và đáp ứng tốt hơn những yêu cầu đặt ra trong giai đoạn mới.

Đảng và Nhà nước luôn có phương án phù hợp để sắp xếp, bố trí lại nhân sự một cách hợp lý, đảm bảo quyền lợi chính đáng của cán bộ, công chức. Quan trọng hơn cả, chính mỗi cán bộ cần ý thức được vai trò tiên phong của mình, không ngừng trau dồi kiến thức, kỹ năng để thích ứng với yêu cầu công việc ngày càng cao.

   Niềm tin vào sự lãnh đạo của Đảng – Yếu tố quyết định thành công

Công tác tổ chức bộ máy hành chính luôn có tác động sâu rộng đến toàn hệ thống chính trị và đời sống nhân dân. Đảng và Nhà nước luôn cân nhắc kỹ lưỡng mọi quyết sách, đặt lợi ích chung lên hàng đầu. Do đó, mỗi cán bộ, đảng viên cần giữ vững niềm tin, đồng hành cùng lộ trình đổi mới, sẵn sàng góp ý xây dựng và thực hiện chủ trương một cách chủ động, trách nhiệm. Để làm việc đó, các cơ quan đơn vị cần công khai thông tin, minh bạch lộ trình, truyền tải rõ ràng, đầy đủ về chủ trương, chính sách và lộ trình thực hiện để cán bộ, đảng viên hiểu đúng và tránh tâm lý hoang mang. Cần có chính sách sắp xếp, bố trí công việc phù hợp cho cán bộ chịu ảnh hưởng, đồng thời có cơ chế hỗ trợ tài chính, đào tạo lại để thích ứng với tình hình mới. Các cấp ủy, chính quyền cần tổ chức đối thoại, lắng nghe ý kiến, trao đổi, giải đáp thắc mắc để cán bộ, đảng viên yên tâm công tác. Tổ chức các chương trình đào tạo, nâng cao kỹ năng để cán bộ có thể đảm nhận các vai trò mới phù hợp với tình hình đổi mới. Cán bộ lãnh đạo cần chủ động động viên, củng cố tinh thần, khích lệ đội ngũ vượt qua khó khăn, giữ vững niềm tin vào sự lãnh đạo của Đảng.

Tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, nhiều đảng viên có nhiều năm công hiến, có kinh nghiệm đã phát huy vai trò tiền phong xung phong nghỉ trước tuổi để nhường cơ hội cho những người trẻ hơn. Nhiều địa phương trên cả nước đã ghi nhận số lượng đáng kể cán bộ, công chức, viên chức tự nguyện xin nghỉ hưu trước tuổi nhằm thực hiện chủ trương tinh gọn bộ máy và sắp xếp lại tổ chức. Đặc biệt, một số địa phương đã ghi nhận số lượng đáng kể cán bộ giữ vị trí lãnh đạo tự nguyện nghỉ hưu sớm.

   Tại thành phố Hải Phòng đã có 43 cán bộ thuộc diện thành ủy quản lý, là các đồng chí giám đốc, phó giám đốc các sở, ngành, bí thư, phó bí thư các đảng bộ trực thuộc thành ủy đã xin nghỉ hưu trước tuổi ngay trong quý 1 năm 2025 được phê duyệt.

Tại Quảng Nam, hơn 500 cán bộ đã xin nghỉ hưu trước tuổi, trong đó có hàng chục người là cán bộ thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Nam quản lý. Tỉnh ủy Bình Phước cũng vừa phê duyệt danh sách nghỉ hưu trước tuổi cho 18 cán bộ lãnh đạo ngành tuyên giáo và dân vận theo Nghị định số 178/2024/NĐ-CP của Chính phủ. Tỉnh ủy Hòa Bình cũng đã công bố các quyết định nghỉ hưu và nghỉ thôi việc đối với 16 cán bộ thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý. Tại tỉnh Kon Tum có 15 cán bộ thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý đã xin nghỉ hưu trước tuổi. Tại Hà Nội, có 59 cán bộ lãnh đạo, chỉ huy Công an thành phố xin nghỉ hưu trước tuổi.

Ở Lai Châu, tính đến ngày 20/2, địa phương này đã có 352 cán bộ, công chức, viên chức đăng ký nghỉ hưu trước tuổi, nghỉ thôi việc theo Nghị định 178/2024/NĐ-CP của Chính phủ. Còn tại Hải Dương, UBND tỉnh Hải Dương dự kiến toàn tỉnh dôi dư 835 cán bộ, công chức, viên chức sau khi tinh gọn bộ máy. Thông tin từ UBND TP. Hồ Chí Minh cho biết trong quá trình sắp xếp, tinh gọn bộ máy, dự kiến có khoảng 7.159 cán bộ, công chức, viên chức và người lao động sẽ nghỉ việc hoặc nghỉ hưu trước tuổi.

Đến nay, việc cán bộ chủ động, tự nguyện xin nghỉ hưu sớm để tạo điều kiện cho việc sắp xếp, tinh gọn bộ máy hành chính đã trở thành xu hướng tại các địa phương.

Lịch sử đã chứng minh, sức mạnh của Đảng đến từ sự đoàn kết, đồng lòng trong nội bộ và sự ủng hộ của nhân dân. Hơn lúc nào hết, mỗi cán bộ, đảng viên cần tiếp tục phát huy tinh thần trách nhiệm, giữ vững phẩm chất chính trị, trở thành tấm gương trong việc thực hiện chủ trương cải cách hành chính, từ đó góp phần xây dựng nền hành chính hiện đại, hiệu quả.

Cải cách bộ máy hành chính là xu thế tất yếu, mở ra những cơ hội mới cho sự phát triển đất nước. Đứng trước những thay đổi, cán bộ, đảng viên cần vững tin, chủ động thích ứng, nâng cao năng lực để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao. Sự thống nhất, đồng lòng và niềm tin vào sự lãnh đạo của Đảng chính là động lực to lớn để đưa đất nước tiếp tục vươn xa trên con đường phát triển./.

Admin
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
Thống kê truy cập
  • Đang online: 0
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 0
  • Tất cả: 0