Động lực chuyển mình từ chủ đề năm - Mở rộng không gian kinh tế, phát huy chính sách đặc thù, tăng tốc chuyển đổi xanh và số
Hải Phòng đang chuyển mình mạnh mẽ ngay từ những tháng đầu năm 2025 với quyết tâm thực hiện hiệu quả Chủ đề năm: “Mở rộng không gian kinh tế, đô thị; phát huy cơ chế, chính sách đặc thù; tăng cường chuyển đổi xanh, chuyển đổi số”. Những bước đi quyết liệt, bài bản và đồng bộ đã tạo ra các kết quả bước đầu rõ nét, đặt nền tảng cho một năm phát triển bứt phá.

Mở rộng không gian phát triển
Trong quý I, một trong những dấu ấn rõ nét của Hải Phòng là việc tập trung quy hoạch và đầu tư để mở rộng không gian phát triển. Ngày 5/2/2025, UBND thành phố đã ban hành Quyết định số 278/QĐ-UBND về phân bổ kinh phí lập nhiệm vụ Quy hoạch chung Khu kinh tế ven biển phía Nam. Ban Quản lý Khu kinh tế đã hoàn thiện hồ sơ nhiệm vụ quy hoạch, tổ chức lấy ý kiến rộng rãi và đang trình Bộ Xây dựng thẩm định trước khi trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Cùng với đó, thành phố đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư cho 4 khu công nghiệp mới với tổng diện tích 1.276,29 ha gồm: KCN Vinh Quang (giai đoạn 1), Tràng Duệ 3, Nam Tràng Cát và Nomura – Hải Phòng (giai đoạn 2). Đặc biệt, cụm công nghiệp phụ trợ Tràng Duệ (huyện An Dương) được thành lập, mở ra triển vọng thu hút doanh nghiệp vệ tinh trong chuỗi cung ứng toàn cầu.
Trên mặt trận hạ tầng, các dự án động lực như đường vành đai 2 đoạn Tân Vũ – Hưng Đạo – Bùi Viện, cảng Lạch Huyện, tuyến cao tốc ven biển... tiếp tục được triển khai khẩn trương. Đây không chỉ là những công trình giao thông mà còn là "đường dẫn phát triển", giúp khai thông các vùng đất tiềm năng nhưng còn "đóng kín" trong quy hoạch cũ.
Bên cạnh đó, Hải Phòng cũng đang đề xuất điều chỉnh quy hoạch khu vực Đồ Sơn và Cát Bà trong tổng thể Quy hoạch chung thành phố đến năm 2040, tầm nhìn đến 2050 – một bước đi định vị chiến lược cho phát triển đô thị biển và du lịch sinh thái chất lượng cao.
Phát huy chính sách đặc thù:
Xác định chính sách là "bệ phóng phát triển", trong quý I, UBND thành phố đã chủ động hoàn thiện Hồ sơ đề nghị Chính phủ trình Quốc hội ban hành Nghị quyết mới thay thế Nghị quyết số 35/2021/QH15. Đây là bước tiến có tính chất quyết định để Hải Phòng chủ động hơn trong huy động nguồn lực, phân cấp quản lý, điều chỉnh quy hoạch và thí điểm cơ chế riêng phù hợp với vị thế đầu tàu phát triển vùng Duyên hải Bắc Bộ. Thành phố đã tích cực phối hợp với các Bộ, ngành để lấy ý kiến, bổ sung nội dung, hoàn thiện hồ sơ trình kịp thời trong kỳ họp gần nhất của Quốc hội. Việc thúc đẩy chính sách không chỉ dừng ở đề xuất, mà đang được “hành chính hóa” và “thể chế hóa” bằng các nghị quyết, quyết định cụ thể, gắn với lộ trình triển khai rõ ràng.
Chuyển đổi xanh, Chuyển đổi số:
Với định hướng trở thành thành phố công nghiệp hiện đại, Hải Phòng không thể phát triển bằng mọi giá mà phải phát triển bền vững. Trong quý I, thành phố đã tổ chức thành công các hội thảo chuyên đề lớn như: “Chuyển đổi xanh trong khu công nghiệp để phát triển bền vững” và “Hải Phòng tiên phong chuyển đổi xanh”. Những diễn đàn này không chỉ tạo sức lan tỏa nhận thức mà còn định hình chính sách hành động cụ thể. Về mặt quản lý, thành phố đã ban hành Kế hoạch kiểm tra định kỳ pháp luật bảo vệ môi trường năm 2025, tiến hành quan trắc môi trường không khí, nước mặt sông Rế, Giá, Đa Độ, sông Chanh Dương, hệ thống thủy lợi Tiên Lãng, sông Cấm, Lạch Tray và vùng ven biển...
Một điểm nhấn là việc xây dựng Đề án chuyển đổi năng lượng xanh và giảm phát thải khí các-bon trong ngành giao thông vận tải – một lĩnh vực vốn là “điểm nóng” về ô nhiễm. Ngoài ra, dự thảo Nghị quyết về chuyển đổi xanh đang được hoàn thiện và trình Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố ban hành trong thời gian tới. Chuyển đổi số tiếp tục là mũi nhọn cải cách của Hải Phòng. Trong quý I, thành phố đã ban hành Kế hoạch chuyển đổi số năm 2025, tiếp tục thực hiện 81 nhiệm vụ chuyển đổi số gắn với các trụ cột: chính quyền số, kinh tế số, xã hội số.
Điểm đáng chú ý là hệ thống hội nghị truyền hình đã được kết nối đến 100% xã, phường, thị trấn, phục vụ hơn 43 cuộc họp trực tuyến từ đầu năm đến nay. Nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu LGSP của thành phố đã kết nối thành công với 24 hệ thống của các Bộ, ngành Trung ương. Đặc biệt, thành phố đã hoàn thành kết nối với Hệ thống Hộ tịch của Bộ Tư pháp, chuẩn bị triển khai liên thông trực tuyến thủ tục đăng ký kết hôn và xác nhận tình trạng hôn nhân – một bước đột phá trong cải cách thủ tục hành chính. Ngoài ra, thành phố đang khảo sát xây dựng Kiến trúc Chính quyền điện tử phiên bản 3.0 và triển khai Hệ thống thông tin địa lý (GIS) dùng chung. Đồng thời, giải pháp "AI Hải Phòng" do doanh nghiệp trong nước phát triển cũng đang được thành phố nghiên cứu triển khai.
Những nỗ lực từ Chủ đề năm đã tạo động lực cho toàn nền kinh tế thành phố tăng trưởng khả quan. Cụ thể: GRDP quý I ước tăng 11,07% so với cùng kỳ (kế hoạch cả năm là 12,5%), trong đó: công nghiệp – xây dựng tăng 12,74%, dịch vụ tăng 9,4%, nông – lâm – thủy sản tăng 1,52%. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng 15,06% so với cùng kỳ, tiệm cận mục tiêu cả năm (17%). Thu ngân sách nhà nước quý I đạt 47.873 tỷ đồng, tăng 44,16% so với cùng kỳ, đạt 40,83% kế hoạch năm; trong đó, thu nội địa đạt 28.537 tỷ đồng (tăng 48,2%), thu từ xuất nhập khẩu đạt 18.742 tỷ đồng. Tổng vốn đầu tư thực hiện trên địa bàn đạt 45.390 tỷ đồng, tăng 15,9% so với cùng kỳ, bằng 18,91% kế hoạch. Kim ngạch xuất khẩu quý I đạt 8,58 tỷ USD, tăng 5,45% so với cùng kỳ, đạt 23,19% kế hoạch năm. Thu hút FDI đạt 372 triệu USD, tăng 46,84% so với cùng kỳ, tuy nhiên mới đạt 8,27% kế hoạch năm (4,5 tỷ USD). Khách du lịch đạt hơn 1,8 triệu lượt, tăng 12,29% so với cùng kỳ, trong đó khách quốc tế đạt hơn 240.000 lượt. Giải quyết việc làm cho 14.900 lượt lao động, đạt 25,47% kế hoạch năm.
Việc triển khai đồng bộ Chủ đề năm 2025 ngay từ quý đầu tiên cho thấy quyết tâm chính trị cao và năng lực điều hành linh hoạt của thành phố Hải Phòng. Từ tầm nhìn quy hoạch, thiết chế chính sách, đến công nghệ và môi trường, thành phố đang xây dựng những nền móng căn cơ, hướng đến một mô hình phát triển toàn diện, hiện đại và bền vững trở thành cực tăng trưởng phía Bắc như định hướng của Trung ương.
Cửa Biển